Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người trong đó có ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh về hệ hô hấp. Hút thuốc lá có hại không chỉ cho bản thân người hút mà còn có hại cho những người không hút, nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Trong khi đó, cơ sở y tế là nơi chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, chính vì thế, hơn bất kỳ nơi nào khác, các cơ sở y tế cần đảm bảo một môi trường trong lành cho người bệnh, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân.
Tại quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng chính phủ quy định cấm hút thuốc lá ở các cơ sở y tế đã được đề cập đến. Để đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong ngành y tế, Bộ Y Tế cũng đã ban hành quyết định số 5281/QĐ- BYT ngày 31/12/2009 quy định “Tất cả các cơ quan đơn vị trong ngành y tế kể từ ngày 01/01/2010 thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên của cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế”. Ngày 18/6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTH thuốc lá), trong đó một lần nữa việc thực hiện môi trường 100% không khói thuốc được quy định rõ ràng và mạnh mẽ: Cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong các cơ sở y tế.
Nghiên cứu về thành phần độc tố có trong thuốc lá, theo công bố của Tổng hội y sĩ Hoa kỳ, khói thuốc lá chứa hơn 7000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư. Thuốc lá được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp là yếu tố nguy cơ thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch...Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ. Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá là 47,4%. Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu dẫn đến dương vật gây liệt dương. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam trong khi xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ( COPD), ung thư phổi... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Ngoài ra, sử dụng thuốc lá còn gây nhiều tổn hại về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm: chi phí cho mua thuốc lá hút, chi phí chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, chi phí giảm năng suất lao động do nghỉ ốm, do hỏa hoạn những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la Mỹ. Tại Việt nam, người dân đã chi mua thuốc lá số tiền là 49 nghìn tỷ đồng. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong tổng số 25 bệnh do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỷ đồng một năm. Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con cái của mình.
Xác định rõ những tác hại của thuốc lá đối với con người và xã hội, thời gian qua, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại ngành Y tế Bắc Giang luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai đến từng đơn vị, nhất là việc xây dựng mô hình cơ sở y tế không khói thuốc lá. Phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của ngành y tế nói chung và ngành y tế Bắc Giang nói riêng. Cán bộ y tế cần nêu gương cho cộng đồng về ý thức bảo vệ sức khỏe thông qua việc không hút thuốc lá và tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá trong cơ sở y tế. Ngoài việc phù hợp với mục tiêu chung của ngành, thực hiện môi trường không khói thuốc tại các cơ sở y tế cũng đem lại những lợi ích rất thiết thực như: Bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế, giúp họ làm việc hiệu quả hơn; Bảo vệ được hình ảnh đẹp của người thầy thuốc; Cán bộ viên y tế không hút thuốc lá là đóng góp vào công tác giáo dục và khuyến khích bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Tạo môi trường trong lành giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả hơn; Giảm thiệt hại về kinh tế do giảm số lượng cán bộ y tế vắng mặt vì mệt mỏi hay bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra; Giảm bớt chi phí vệ sinh môi trường và phòng chống cháy no trong cơ sở y tế...
Tại Bắc Giang hiện có 24 cơ sở y tế công lập, 14 bệnh viện tư nhân, 29 phòng khám đa khoa, 445 phòng khám chuyên khoa. Hầu hết các cơ sở y tế này đều hưởng ứng tốt phong trào xây dựng mô hình cơ sở y tế không khói thuốc lá. 100% các cơ sở y tế đều đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào Kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ. Tại khuôn viên và khu vực làm việc, khu vực điều trị, khu nhà ăn, hành lang, cầu thang đều được treo biển cấm hút thuốc lá; không có các vật dụng liên quan đến thuốc lá như: gạt tàn, bật lửa... Bên cạnh đó các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và quy định xử phạt đối với những trường hợp cố tình hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế cho người dân khi đến khám, chữa bệnh. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo cơ sở y tế đã thể hiện vai trò tiên phong của mình trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật phòng chống tác hại thuốc lá như: Không hút thuốc lá tại nơi làm việc; tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cán bộ thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá.
Xây dựng cơ sở y tế hoàn toàn không khói thuốc lá có thể khó thực hiện, tuy nhiên việc giảm dần việc hút thuốc lá và nâng cao ý thức, nhận thức của cán bộ, người dân về tác hại của thuốc lá thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Chính vì vậy trong thời gian tới Bắc Giang sẽ chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá bằng nhiều biện pháp thiết thực. Từ đó giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại của thuốc lá gây ra, hướng tới mục tiêu “Vì sức khỏe cộng đồng – Không hút thuốc lá tại nơi làm việc”.
Nguồn tin: SỞ Y TẾ BẮC GIANG:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn